Trong khi bài thi SAT đã không còn xa lạ với đa số bạn chuẩn bị du học Mỹ, bài thi SAT Subject Test có vẻ vẫn là một khái niệm mơ hồ và xa xôi. Vậy bài thi này là gì, và nó có giúp ích gì cho bộ hồ sơ của chúng ta khi xin học bổng? Nếu bạn đang có ý định xin học bổng du học Mỹ thì bạn nên tìm hiểu kỹ càng những điều sau.

SAT Subject Test, hay còn được biết đến với tên gọi SAT II, là bài thi nhằm kiểm tra kiến thức của bạn trong một môn học/lĩnh vực cụ thể, do đó bạn có thể chọn môn học mà mình tự tin nhất để thử sức. Không phải trường đại học nào cũng yêu cầu điểm SAT II trong hồ sơ của học sinh, nhưng bài thi này vẫn luôn là một lựa chọn tốt nếu bạn muốn thể hiện năng lực của mình và gây ấn tượng tốt hơn với người tuyển sinh. Hiện tại có khoảng 20 bài thi Subject Tests, bao gồm các chủ đề: 

Văn họcTiếng Pháp
Toán ITiếng Pháp có thi nghe
Toán IITiếng Tây Ban Nha
Lịch sử MỹTiếng Tây Ban Nha có thi nghe
Lịch sử thế giớiTiếng Italia
Sinh học sinh tháiTiếng La Tinh
Sinh học phân tửTiếng Đức có thi nghe
Vật lýTiếng Trung Quốc có thi nghe
Hóa họcTiếng Hàn có thi nghe
Tiếng Do Thái hiện đạiTiếng Nhật có thi nghe

‘Mình có cần thi SAT II không nhỉ?’

Đa số các trường Đại học ở Mỹ không yêu cầu SAT II, nhưng nếu bạn có tham vọng đạt học bổng lớn từ những trường top thì điểm SAT II lúc này là vũ khí quan trọng. Còn với những trường yêu cầu hoặc khuyến khích có điểm SAT II trong hồ sơ thì lúc này bạn cần quan tâm hơn xem trường yêu cầu môn gì trong bài thi đó. Ví dụ như những trường thiên về công nghệ như MIT hay CalTech sẽ yêu cầu điểm bài thi Toán và Khoa học; với MIT thì bạn thi toán 1 hay toán 2 đều được, nhưng CalTech lại chỉ chấp nhận điểm Toán 2 của bạn thôi. Hoặc với khối trường Liberal Arts thì sẽ cần lượng kiến thức bổ trợ cho nhau nên sẽ ưu ái những bạn làm cặp bài thi như Toán – Văn học hoặc Toán – Lịch sử.

Một tin vui nữa cho những bạn còn đang băn khoăn, đó là nhiều trường Đại học như Colby College, Colorado College, Middlebury hay NYU chấp nhận điểm SAT II thay thế cho kết quả SAT I chưa thật xuất sắc. Hoặc có những trường sẽ sử dụng kết quả SAT II với mục đích kiểm tra đầu vào các lớp học ngôn ngữ cao cấp. Với trường Harvard chẳng hạn, nếu bạn đạt trên 700 điểm trong bài thi Tiếng Hàn, trường sẽ cho phép bạn chọn học các khóa tiếng Hàn cao cấp hơn khi theo học tại đây.

Nhìn chung, bài kiểm tra SAT Subject Tests sẽ luôn là một điểm nhấn rực rỡ cho bộ hồ sơ của bạn, thể hiện rõ ràng bạn là ai, kiến thức của bạn vững vàng ra sao và khoe khéo được niềm đam mê của bạn với việc học hành; thế nên hãy cứ thi thôi còn chần chừ gì nữa nào!

Cấu trúc bài thi SAT Subject Test

Toán: Cả toán 1 và 2 đều gồm 50 câu trắc nghiệm, và bạn được phép sử dụng máy tính. Toán 1 sẽ chỉ kiểm tra những kiến thức toán các bạn được học hết trong chương trình cấp 3, các bạn nắm chắc khái niệm  thì sẽ làm tốt. Với toán 2, các phần kiến thức chuyên sâu hơn như ma trận, lượng giác hay các hàm lượng giác ngược cũng đều có thể bị hỏi đến.

Lý: Bài gồm 75 câu trắc nghiệm, tuy nhiên bạn không được sử dụng máy tính nhé.

Hóa: Bài gồm 85 câu trắc nghiệm, và bạn cũng không được sử dụng máy tính. Trong số 85 câu hỏi này, 16 câu cuối sẽ là dạng câu hỏi đặc biệt hơn – phần thích quan hệ . Kiến thức trong bài thi này sẽ gồm cả hóa đại cương, hóa vô cơ và hóa học phòng thí nghiệm.

Sinh: Bài gồm 80 câu trắc nghiệm, trong đó 60 câu đầu của cả 2 bài đều giống nhau; 20 câu cuối của bài Sinh học sinh thái (Biology ecology) sẽ tập trung vào mảng sinh thái như hệ sinh thái,dòng năng lượng, cân bằng hệ sinh thái…., còn bài Sinh học phân tử (Biology Molecular) sẽ hỏi về sinh hóa, các quá trình sinh lý; tế bào và cấu tạo tế bào…..

Văn: Bài gồm 60 câu trắc nghiệm về bài đọc hiểu cho sẵn (lấy từ các tác phẩm văn học Anh,Mỹ và cả các nước nói tiếng Anh). Học sinh ngoài việc đọc hiểu tốt còn cần đến kĩ năng tư duy phê phán, nắm được kiến thức về các phép tu từ; thậm chí cần có cả kiến thức lịch sử về giai đoạnmà tác phẩm ra đời để hoàn toàn nắm được thần thái và nội dung bài thơ/truyện ngắn/kịch.. mà mình được hỏi đến

Lịch sử Mỹ: Bài gồm 90 câu trắc nghiệm, kiến thức trải rộng về các mảng lịch sử chính trị, kinh tế, xã hội……

Lịch sử Thế giới: Bài gồm 95 câu trắc nghiệm, kiến thức trải rộng ở các châu lục từ năm 500 sau công nguyên. Nhìn chung cả 2 bài thi Lịch sử đều khá “khoai”, nên bạn cần chắc chắn mình có kiến thức khá, cùng tư duy đọc hiểu tốt với tốc độ đọc nhanh thì mới nên thử sức ở lĩnh vực này.

Các môn ngoại ngữ: Cần lưu ý với tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Đức có 2 lựa chọn là có bài thi thường và bài thi có phần nghe; còn các tiếng Trung, Hàn, Nhật chỉ có bài thi có phần nghe; tiếng Latin và Italia chỉ có bài thi thường.

Bài SAT II được tính điểm thế nào?

Hiện tại bài SAT I đã không còn tính điểm phạt trên những câu sai nữa nhưng điểm SAT II vẫn được tính dựa trên cả số câu đúng và câu sai trong bài. Số điểm bị trừ (điểm phạt) sẽ được tính dựa trên số đáp án trong mỗi câu hỏi, cụ thể như sau:

  • Câu có 3 đáp án – trừ ½ điểm
  • Câu có 4 đáp án – trừ 1/3 điểm
  • Câu có 5 đáp án – trừ ¼ điểm

Đa số câu hỏi bài thi SAT II đều có 5 đáp án, nên nhìn chung các bạn học sinh thường bị trừ 0.25 điểm cho mỗi câu sai. Câu bỏ sẽ không bị trừ điểm. Điểm gốc (raw score) sau đó sẽ được làm tròn theo số gần nhất: từ 0.5 trở lên sẽ được làm tròn lên, còn dưới 0.5 sẽ bị làm tròn xuống. Như vậy nếu bạn được 33.25 thì sẽ được tính là 33, còn nếu đạt 33.5 thì sẽ được làm tròn thành 34.

Chúng ta sẽ tóm gọn lại thành công thức sau:

(Số câu đúng) – (Số câu sai) x (Điểm phạt) = Điểm gốc (đã được làm tròn)

Thử lấy ví dụ cho dễ hiểu nhé: Bạn làm bài SAT II văn, được 45 câu đúng, 5 câu sai và bỏ 10 câu. Điểm của bạn sẽ là: 45 – 5×0.25= 43.75, làm tròn thành 44. Vậy điểm gốc của bạn là 44.

Số điểm gốc này sau đó sẽ được sang điểm ở thang 800, tuy nhiên không có quy tắc cố định nào cho phần quy đổi này cả, vậy nên chúng ta chỉ có thể ước lượng điểm ở khoảng nào thôi.