Sau khi nghiên cứu về các trường đại học ở Mỹ, chắc hẳn một điều mà các bạn có thể thấy là chi phí du học ở Mỹ vô cùng đắt đỏ. Mọi chi phí từ học phí du học Mỹ đến tiền ăn, ở, đi lại,… đều không hề rẻ. Nhưng đừng lo, nếu biết cách chi tiêu, bạn sẽ không phải lâm vào cảnh thắt lưng buộc bụng để trang trải trong suốt bốn năm đại học của mình đâu! Bài viết này sẽ tổng hợp những mẹo cơ bản giúp bạn chi tiêu khôn ngoan hơn khi du học ở Mỹ, các bạn hãy tham khảo nhé!
1. Làm việc trong trường (on campus jobs)
Mọi người thường hay đồn rằng du học sinh không thể làm việc khi đang đi học, nhưng điều đó hoàn toàn không đúng nha! Bạn không thể làm việc ngoài trường (off campus jobs) nhưng với việc trong trường (on campus jobs), bạn có thể xin việc ở bất cứ ví trị nào đang tuyển người. Dù bạn có thể làm được vài tiếng hay chục tiếng mỗi tuần, số tiền bạn kiếm được từ những công việc này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính của bạn.
2. Đừng mua sách giáo khoa mới
Bạn sẽ bị sốc bởi giá tiền cao ngất trời của sách giáo khoa ở Mỹ. Chúng có thể lên đến $100 hoặc hơn đó! Thay vì tốn tiền vào mua sách giáo khoa mới, bạn có thể tìm mua, hay thậm chí là tải miễn phí ebook trên mạng. Mua lại hoặc thuê sách cũ trên các trang như amazon.con, thriftbooks.com, hay từ các anh chị khoá trên cũng là một giải pháp hiệu quả. Ngoài ra, các phiên bản cũ của sách giáo khoa thường rẻ hơn rất nhiều so với bản mới nhất. Nhưng trước khi quyết định mua phiên bản cũ, bạn hãy hỏi lại giáo sư của mình xem họ có chấp nhận bản cũ không và nghiên cứu xem bản mới thì có những thông tin gì mà bản cũ không có nhé.
3. Tính toán cẩn thận các khoản chi tiêu
Bạn đang ở một đất nước khác rồi, và sách giáo khoa, dụng cụ học tập và những phụ phí liên quan đến việc học không phải là khoản chi tiêu duy nhất của bạn đâu. Bạn còn phải tính đến tiền đi lại, ăn vặt, đồ dùng gia đình và những vật nhỏ nhặt khác như nước giặt, chổi, giấy ăn, cốc, bát, vân vân… Hãy theo dõi kĩ những khoản chi tiêu của mình nhé, có thể mỗi lần bạn chỉ tiêu vài đô, nhưng bạn sẽ ngạc nhiên với tổng số tiền bạn đã tiêu đó.
4. Mua laptop giá sinh viên
Hãy kiểm tra những ngày miễn thuế của tháng 8 và những đợt giảm giá trong năm như Black Friday nhé! Ngoài ra, các công ty như Apple, Dell, và Adobe đều có mức giá học sinh cho một số sản phẩm nhất định của họ. Nhiều tiệm sách trong trường cũng giảm giá laptop cho học sinh năm nhất. Hãy cố gắng tậu một chiếc thật tốt – có thể giá ban đầu hơi chát, nhưng bạn sẽ không phải lo về phí sửa chữa hay thay phụ kiện với một chiếc máy tính bền và khoẻ!
5. Tham gia các sự kiện của trường
Chỉ cần đến các sự kiện của trường là bạn sẽ có cơ hội nhận được đồ miễn phí đó! Ví dụ như với hội chợ các câu lạc bộ, có thể bạn sẽ được tặng huy hiệu, kẹo, bút, đồ trang trí phòng,… Còn với những ngày hội, chắc chắn bạn sẽ thấy những quầy đồ ăn, đồ uống, hay thậm chí là quầy phát đồ văn phòng phẩm và áo phông miễn phí! Nếu bạn đăng kí tham gia tổ chức sự kiện, không những bạn được nhận thêm đồ mà CV của bạn còn đẹp hơn nữa.
6. Tận dụng những kì nghỉ ngắn
Với những kì nghỉ ngắn như Lễ Tạ ơn hay nghỉ xuân, bay về nhà không phải là một sự lựa chọn phù hợp với một số học sinh – tiền vé vào các kì nghỉ lễ thường đắt, và thời gian nghỉ ngơi quá ngắn so với thời gian bay. Thay vào đó, vào những kì nghỉ ngắn như thế này, bạn hãy ở chung với một người bạn Mỹ của mình, hay tận dụng thời gian ấy mà làm một chuyến road trip cùng bạn bè chẳng hạn!
7. Mua sắm thông minh
Mỗi khi đi mua sắm, bạn hãy hỏi cửa hàng xem họ có ưu đãi gì cho học sinh, sinh viên không. Dù đời sống ở Mỹ đắt đỏ, nhưng với chiếc thẻ học sinh, bạn có thể tiết kiệm được rất nhiều, từ tiền ăn, quần áo, cho đến tiền vui chơi, du lịch!