Chương trình giảng dạy cung cấp bởi các đối tác uy tín như Edmentum hay Florida Virtual School (FLVS) tại Ivy Global School tạo cơ hội phát triển mô hình lớp học đảo ngược (flipped classroom). Tại đây, giáo viên và học sinh có cơ hội học hỏi lẫn nhau, điều trước đây các lớp học truyền thống chưa khai thác tốt” – Cô Phùng Mai Hương, giáo viên bộ môn Ngôn ngữ Anh khối 6 tại Ivy Global School chia sẻ.

Cô Phùng Mai Hương hiện đang giảng dạy bộ môn Ngôn ngữ Anh khối 6 tại Trường phổ thông Mỹ trực tuyến Ivy Global School. Cô có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy IELTS và Ngôn ngữ Anh tại Trường Phổ thông liên cấp Newton và Alpha; Chương trình song bằng Phổ thông Mỹ tại IvyPrep Education. Ngoài ra, cô cũng là giám đốc kênh Giáo dục – Giải trí về Khoa học – Xã hội đầu tiên tại Việt Nam: Love of Knowledge.

Nằm trong đội ngũ thiết kế và giảng dạy các chương trình giáo dục Mỹ, cô Mai Hương có nhiều trải nghiệm để hiểu rõ 2 mô hình học tập: Giáo dục truyền thống và giáo dục trực tuyến. Người thầy trong lớp phải thích nghi với sự thay đổi khi chuyển đổi từ môi trường dạy học truyền thống sang giáo dục trực tuyến. 

Theo cô Hương chia sẻ, hai mô hình học này đều yêu cầu giáo viên thực hiện những công việc cơ bản: Soạn bài, tổ chức các hoạt động lớp học, giảng bài, theo dõi kết quả học tập và hỗ trợ học viên. Khung kiến thức nền tảng chung sẵn có, tuy nhiên việc áp dụng như thế nào để học sinh hiểu – say mê – cải thiện kết quả học tập lại vô cùng khó khăn.

Khi chuyển sang mô hình học trực tuyến, vai trò của người thầy thay đổi một cách đáng kể, để phù hợp với hình thức học tập này.  

Thứ nhất, vai trò của Giáo viên từ Lecturer (người thuyết giảng) chuyển sang Teacher-Coach (người định hướng, huấn luyện)

Việc học trực tuyến với các phần mềm quản lý học tập chất lượng như Edmentum hay Florida Virtual School (FLVS) tại Ivy Global School tạo cơ hội cho việc phát triển mô hình lớp học đảo ngược (flipped classroom). Ở nhà, học sinh tự lên hệ thống xem trước bài, tìm hiểu và ghi chép câu hỏi. Trên lớp, giáo viên dành một phần nhỏ thời lượng để giảng lại bài. Phần lớn thời gian còn lại, giáo viên dành cho việc tương tác, thảo luận, phân tích, và trả lời câu hỏi các em học sinh. Sự chuyển đổi này không có nghĩa là khi học trực tuyến, học sinh phải học nhiều hơn và giáo viên làm ít đi. Trên thực tế, giáo viên có thể mất nhiều thời gian chuẩn bị và tương tác với học sinh ngoài giờ học, cũng như  tập trung quan sát, điều phối trong lớp để giữ được môi trường học tập sôi nổi và hiệu quả xuyên suốt năm học. 

Thứ hai, giáo viên là người giữ lửa đam mê học tập (Motivator) cho học sinh

Khi học trực tiếp, học sinh có nhiều thời gian và cơ hội tương tác trực tiếp với giáo viên, bạn bè. Nhìn chung, mức năng lượng trong một lớp học offline thường ở mức khá cao. Tuy nhiên, khi học trực tuyến, việc tương tác hay quan sát như vậy khá khó khăn. Có thể thấy ở nhiều lớp, khi mới học trực tuyến chưa quen, học sinh không nói câu nào. Để giữ được năng lượng và đam mê học tập cho học sinh, bản thân giáo viên cần giảng bài với mức năng lượng cao hơn bình thường, và giữ tương tác liên tục với từng cá nhân trong lớp học qua cả lời nói, ngôn ngữ cử chỉ khuôn mặt và các phương tiện hỗ trợ khác như zoom chat hay email. Việc soạn bài cũng cần kỹ lưỡng hơn nhiều. 

“Tôi chứng kiến trong nhiều lớp học trực tuyến, giáo viên phải “gồng mình” thể hiện 200% năng lượng để duy trì mức năng lượng trung bình cho cả giờ học. Nếu không làm vậy, các em học sinh dễ chán nản, mất tập trung và hiệu quả học kém. Bởi vì học trực tuyến vốn không tạo ra môi trường tương tác trực tiếp mà gián tiếp thông qua màn hình laptop, điện thoại. Các em học sinh ở Ivy Global School đều được gọi phát biểu, ít nhất 1 lần trong buổi học để duy trì sự tập trung và hứng thú.” – Cô Hương chia sẻ.

Giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy ở môi trường học truyền thống có thể quan sát và “bắt mạch” vấn đề của học sinh rất nhanh, tuỳ tình huống thay đổi hoạt động. Với lớp học trực tuyến, rất khó để bao quát được lớp hay gương mặt của học sinh, và số lượng các hoạt động để thay đổi cũng hạn chế hơn. Giáo viên khi soạn bài phải tưởng tượng ra trước nhiều kịch bản cũng như sáng tạo nhiều hoạt động khác nhau để dễ bề ứng biến, làm sao để học sinh luôn thích thú với việc học.

“Rất may mắn là nhiều nội dung trực tuyến có sẵn trên các courseware – giáo trình và nền tảng trực tuyến đang sử dụng tại Ivy Global School như FLVS hay Edmentum đều được thiết kế để tạo hứng thú cho học sinh cả về nội dung lẫn phần hình ảnh. Chúng tôi giảm bớt được gánh nặng tập trung soạn bài giảng là vì thế.”

Cuối cùng, giáo viên là người hướng dẫn học sinh kỹ năng làm chủ không gian mạng – Information Literacy

Học trực tuyến có nghĩa là học sinh dành nhiều thời gian trên mạng hơn, đây vừa là thách thức, cũng là cơ hội. Môi trường mạng đầy rẫy thông tin độc hại, chưa kiểm chứng nhưng cũng có một kho tàng tài liệu học tập bổ ích ở mọi lĩnh vực. Khi dạy học trực tuyến, ngoài dạy kiến thức hay ngôn ngữ, giáo viên còn giúp học sinh phát triển kỹ năng xử lý thông tin và chủ động học tập an toàn trên không gian mạng, một trong những kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21 – Information Literacy. 

“Điển hình, trong chương trình cấp tiểu học tại Ivy Global School, học sinh đã được học cách lên mạng tra thông tin trên trang web là iFind. Các nội dung đã được lọc an toàn, phù hợp với lứa tuổi. Đến lớp 3, lớp 4, các em bắt đầu được giáo viên hướng dẫn nghiên cứu trực tuyến, tự đánh giá độ tin cậy của các trang web hay bài báo mạng”

Trong tương lai, việc sử dụng chương trình học trực tuyến nhiều hơn là điều tất yếu. Việc của giáo viên là làm sao để học sinh ổn định sức khoẻ, do học trực tuyến có những bất cập cố hữu, đồng thời tận dụng không gian mạng để tự bồi dưỡng kiến thức và tâm hồn. Như vậy, vai trò của người thầy trong giáo dục trực tuyến mới đạt được trọn vẹn mục tiêu đề ra.