Du học Mỹ ngành STEM là khởi đầu và cơ hội lớn cho các bạn trẻ đam mê những bộ môn Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học. Theo thống kê thì cứ 10 bạn đi du học Mỹ có đến 5 bạn chọn nhóm ngành STEM. Vậy cơ hội và triển vọng ngành STEM tại Mỹ lớn như thế nào, cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé. 

Tổng quan ngành STEM

STEM là viết tắt của bốn lĩnh vực sau:

  • Khoa học (Science): Nghiên cứu về tự nhiên và thế giới xung quanh, bao gồm các chủ đề như vật lý, hóa học, sinh học, và thiên văn học.
  • Công nghệ (Technology): Tập trung vào phát triển và ứng dụng các công nghệ mới, từ máy tính đến robot và trí tuệ nhân tạo.
  • Kỹ thuật (Engineering): Bao gồm việc thiết kế, xây dựng và duy trì các hệ thống. Các ngành kỹ thuật bao gồm cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, và nhiều lĩnh vực khác.
  • Toán học (Mathematics): Là công cụ cơ bản và quan trọng trong việc phân tích, mô hình hóa và giải quyết các vấn đề trong các lĩnh vực STEM khác.
Ngành STEM gồm 4 lĩnh vực

Lợi thế khi có bằng cấp STEM tại Mỹ

Theo ông Raheem Beyah – trưởng khoa Kỹ thuật tại Viện Công nghệ Georgia cho biết “kỹ thuật và khoa học máy tính nói chung nằm trong số những bằng cấp STEM được trả lương cao nhất”. Ông cũng nói thêm “Bạn sẽ thấy những người tốt nghiệp đại học ở tuổi 21 kiếm được từ 85.000 đến 135.000 USD”. “Và khi tiếp tục dành nhiều thời gian hơn, bạn có thể nâng cao thu nhập và đạt được những thành công lớn trong sự nghiệp của mình.”

Khi các ngành công nghiệp ngày một tích hợp và cần nhiều công nghệ, nhu cầu về nhân sự tốt nghiệp các STEM đang tăng cao cũng tăng cao hơn. Theo Cục Thống kê Lao động liên bang, trong năm 2021, người lao động tại Hoa Kỳ làm những ngành nghề liên quan đến STEM thì có thu nhập trung bình hàng năm gấp đôi so với những người khác – $95.420 so với $40.120. Từ năm 2021 – 2031, Tốc độ tăng trưởng việc làm của ngành STEM cũng được dự đoán sẽ cao hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng những việc không phải STEM.

Nhân sự khối ngành STEM có thu nhập hấp dẫn

TOP những ngành nghề STEM hot nhất

Quản trị cơ sở dữ liệu (Database Administrator)

  • Mức lương trung bình: 96.710 USD
  • Dự kiến tăng trưởng việc làm đến năm 2031:  9%

Quản trị viên cơ sở dữ liệu – còn được gọi là DBA – thiết lập cơ sở dữ liệu theo nhu cầu của tổ chức và chịu trách nhiệm giữ an toàn cho dữ liệu khỏi những người dùng trái phép. Các hoạt động hàng ngày của họ có thể bao gồm việc tạo và duy trì các tiêu chuẩn và chính sách cơ sở dữ liệu, chương trình kiểm tra, sửa lỗi, tạo kế hoạch sao lưu và phục hồi dữ liệu.

Chuyên viên phân tích vận hành (Operations Research Analyst)

  • Mức lương trung bình: 82.360 USD
  • Dự kiến tăng trưởng việc làm đến năm 2031:  23% 

Vị trí này sử dụng các kỹ thuật tiên tiến, chẳng hạn như big data (dữ liệu lớn), phân tích định lượng và mô hình toán học để giúp các tổ chức cải thiện quy trình và hoạt động kinh doanh. Ví dụ: nhân sự vị trí làm việc trong một công ty Logistic có thể sử dụng phân tích big data để tối ưu hóa các tuyến đường giao hàng và giảm chi phí vận chuyển.

Cơ hội nghề nghiệp ngành STEM đa dạng và hấp dẫn

Chuyên gia thẩm định rủi ro (Actuary)

  • Mức lương trung bình: 105,900 USD
  • Dự kiến tăng trưởng việc làm đến năm 2031: 21%

Vị trí này sử dụng toán học và lý thuyết thống kê để giúp các tổ chức phân tích và giảm thiểu rủi ro tài chính liên quan đến các lĩnh vực khác nhau như bảo hiểm, đầu tư và kế hoạch trợ cấp hưu trí. Ví dụ: chuyên gia thẩm định rủi ro làm việc trong ngành bảo hiểm giúp xác định phí bảo hiểm cho từng loại hợp đồng để công ty duy trì tính cạnh tranh và có lợi nhuận.

Ứng viên cần có bằng cử nhân trong một lĩnh vực liên quan như toán học hoặc thống kê và phải vượt qua một loạt các kỳ thi để được chứng nhận.

Kỹ sư khoa học dữ liệu (Data Scientist)

  • Mức lương trung bình: 100,910 USD
  • Dự kiến tăng trưởng việc làm đến năm 2031: 36%

Chuyên gia phân tích sử dụng các kỹ thuật như khai thác dữ liệu, học máy, mô hình dự đoán và trực quan hóa dữ liệu để diễn giải dữ liệu và giải quyết các vấn đề phức tạp. Các công ty sẽ thuê các nhà khoa học dữ liệu để giúp họ thu thập, quản lý và phân tích lượng lớn dữ liệu để khám phá những hiểu biết sâu sắc về kinh doanh có thể triển khai.

Để trở thành một nhà khoa học dữ liệu, bạn cần có kiến thức sâu sắc về toán học, thống kê và các ngôn ngữ lập trình như SQL. Bằng thạc sĩ về khoa học dữ liệu hoặc lĩnh vực liên quan cũng có thể giúp bạn trở thành ứng viên sáng giá hơn trong một thị trường việc làm đầy cạnh tranh.

Chuyên viên phân tích hệ thống máy tính (Computer Systems Analyst)

  • Mức lương trung bình: 99,270 USD
  • Dự kiến tăng trưởng việc làm đến năm 2031: 9%

Vị trí này còn được gọi là kiến trúc sư hệ thống, chịu trách nhiệm duy trì và cải tiến hệ thống máy tính của công ty. Họ thường làm việc chặt chẽ với các nhà quản lý và chuyên gia công nghệ thông tin để xác định vấn đề và phát triển hệ thống máy tính và quy trình để đáp ứng nhu cầu kinh doanh. Một số công việc hàng ngày của họ bao gồm thiết kế các hệ thống mới bằng cách cấu hình phần cứng và phần mềm, cũng như giám sát việc cài đặt công nghệ mới.

Nhu cầu nghề nghiệp ngành STEM dự kiến tăng trưởng tốt

Nhà phát triển web (Web Developer)

  • Mức lương trung bình: 77,030 USD
  • Dự kiến tăng trưởng việc làm đến năm 2031: 23%

Bạn sẽ phụ trách xây dựng trang web, ứng dụng web và dịch vụ web bằng các ngôn ngữ lập trình như HTML, CSS và JavaScript. Thông thường sẽ có 3 dạng chính: Nhà phát triển Back-end (chuyên viết mã giúp trình duyệt tương tác với cơ sở dữ liệu), nhà phát triển Front-end (tập trung vào việc tạo các thành phần mà người dùng nhìn thấy) và nhà phát triển Full-stack (am hiểu cả hai khía cạnh).

Mặc dù một số nhà tuyển dụng yêu cầu có bằng cử nhân, nhưng nhiều công ty cũng rộng cửa cho ứng viên tự học hoặc tốt nghiệp từ các trung tâm đào tạo nhanh về lập trình.

Chuyên viên phân tích bảo mật thông tin (Information Security Analyst)

  • Mức lương trung bình: 102,600 USD
  • Dự kiến tăng trưởng việc làm đến năm 2031: 35%

Các nhà phân tích bảo mật thông tin giúp bảo vệ thông tin kỹ thuật số của một tổ chức trước các mối đe dọa và tấn công mạng ngày càng gia tăng. Từ việc thiết kế mạng an toàn đến thực hiện các chiến lược giảm thiểu rủi ro, họ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các dữ liệu quan trọng của công ty.

Cán bộ tuyển sinh tìm kiếm điều gì ở ứng viên STEM?

Những năm gần đây, ngay cả khi số lượng tuyển sinh không thay đổi thì lượng sinh viên đăng ký vào các ngành STEM vẫn tiếp tục tăng nhanh. Tỷ lệ nhập học vào TOP đang giảm mạnh và sự cạnh tranh dành cho sinh viên STEM cũng ngày càng khốc liệt. Vậy thì điều gì có thể khiến một sinh viên xuất sắc nổi bật giữa hàng nghìn ứng viên giỏi khác vào các chương trình STEM? Hãy khám phá những chia sẻ thú vị từ cô Katie – cựu Phó Giám Đốc Tuyển Sinh Cấp Cao tại trường MIT, chuyên hướng dẫn sinh viên quốc tế trong quá trình tuyển sinh và hỗ trợ sinh viên quan tâm đến STEM.

Thử thách hơn về mặt học thuật

Tham gia các khóa học khắt khe nhất trường trung học và đạt kết quả thật tốt – đặc biệt là các khóa học toán, sinh học, hóa học, vật lý. Ngay cả khi bạn không muốn học sinh học trong đại học, việc chứng minh bạn có thể đối mặt với thách thức của nhiều khóa học STEM, đặc biệt là ở cấp độ danh dự, AP, IB hoặc cấp cao hơn là yếu tố then chốt giúp các cán bộ tuyển sinh cảm thấy bạn có thể đối mặt với sự khó khăn khi học ngành này.

Ngành STEM yêu cầu cao các bạn giỏi về mặt học thuật

Tham gia các hoạt động ngoại khóa về STEM

Chỉ có điểm số và điểm kiểm tra cao thôi là chưa đủ. Bạn cần tham gia, và các hoạt động ngoại khóa để làm nổi bật đam mê của bạn đối với STEM. Hòa mình vào các cơ hội ở trường trung học và cộng đồng của bạn để tìm hiểu về các lĩnh vực STEM khác nhau đang có. 

Ví dụ, tham gia vào đội nhóm đam mê robot. Không có đội robot tại trường của bạn? Hãy tự thành lập và bắt đầu hoạt động. Tham gia các khóa học trực tuyến về khoa học máy tính, kỹ thuật sinh học, vật lý lý thuyết hoặc thiết kế trò chơi điện tử. Tham gia các cuộc thi Olympic Toán và Khoa học, đồng thời liên hệ với các giáo sư đại học địa phương hoặc các công ty STEM để tìm kiếm cơ hội nghiên cứu hoặc thực tập. Trải nghiệm những hoạt động này không chỉ làm phong phú hiểu biết của bạn về các lĩnh vực STEM khác nhau mà còn giúp xác định xem bạn có thực sự thích STEM không, và nếu có, bạn đặc biệt thích lĩnh vực nào.

Hãy tạo ra một “câu chuyện riêng” thật hấp dẫn về STEM

Điều quan trọng là phải xem xét cách làm cho thế giới xung quanh bạn trở nên tốt đẹp hơn bằng STEM. Bạn có thực sự “sống hết mình” với STEM. Thay vì trốn trong phòng làm bài toán, hãy ra ngoài và tham gia giúp đỡ học sinh nhỏ hơn về môn toán. Làm việc với nhóm kỹ thuật cho chương trình sân khấu ở trường trung học của bạn hoặc giúp nhân viên công nghệ thông tin của trường bạn thiết kế một chương trình máy tính để lập lịch học dễ dàng hơn. 

Bạn cần phải sáng tạo, nhưng nếu bạn tìm kiếm cơ hội kết hợp STEM vào mọi việc bạn đang làm, bạn sẽ khám phá ra rằng các lĩnh vực STEM là nền tảng của rất nhiều thứ trong cuộc sống của chúng ta. Hãy lan tỏa niềm đam mê của bạn và thông qua đơn đăng ký, câu chuyện về niềm đam mê STEM của bạn sẽ trở nên rõ ràng.

Khả năng truyền đạt sự quan tâm với cán bộ tuyển sinh

Thật tuyệt khi nói rằng bạn muốn theo học chuyên ngành kỹ thuật điện, nhưng khả năng giao tiếp qua các bài luận, đơn đăng ký và trong các cuộc phỏng vấn với trường rằng bạn hiểu ý nghĩa thực sự của việc học kỹ thuật mới là điều quan trọng. Rất dễ dàng để nhận ra ứng viên nào không thành thật trong sự hiểu biết của mình về chuyên ngành.

Phẩm chất cá nhân tốt

Hãy là một công dân tốt và tử tế trong cộng đồng của bạn. Cho dù bạn luôn là người đầu tiên tình nguyện giúp đỡ một người bạn đang gặp khó khăn hay là người cổ vũ nhiệt tình nhất trong các trò chơi thể thao, những phẩm chất đó đều quan trọng và cực kỳ có giá trị trong quá trình tuyển sinh. Ngoài ra bạn phải có khả năng hợp tác với người khác để xử lý vấn đề một cách hiệu quả, hội đồng tuyển sinh sẽ tìm kiếm bằng chứng về điều đó trong đơn đăng ký của bạn. 

Đọc thêm: 

Các trường đào tạo nhóm ngành STEM tốt nhất Hoa Kỳ

NGÀNH KHOA HỌC MÁY TÍNH CÓ THẬT SỰ ĐANG PHÁT TRIỂN?

Tạm kết:

Trên đây là toàn bộ những thông tin thú vị về du học Mỹ ngành STEM. Đặc biệt, để chắc suất học bổng vào các trường Đại học TOP đầu, bạn cần phải có chiến lược nộp hồ sơ thông minh, cũng như xây dựng hồ sơ cá nhân độc đáo, nổi bật “chất riêng”, dễ dàng gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh. Nếu bạn quan tâm ngành STEM nhưng vẫn đang loay hoay chưa có định hướng, hãy để IvyPrep đồng hành cùng bạn. Đăng ký test năng lực miễn phí nhận bản đồ du học tại đây.