Phạm Tâm Anh là học sinh lớp 10A Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Học giỏi, Tâm Anh còn tham gia các hoạt động ngoại khóa. Giải ba Front The Most, cuộc thi tiếng Anh làm MC (dẫn chương trình) dành cho học sinh THPT và sinh viên Hà Nội do Trường Đại học Ngoại thương tổ chức. Tâm Anh cũng được chọn làm MC cho chương trình Sắc màu Chuyên Ngoại ngữ trong trường hằng năm.
Có một tình yêu rất lớn cho ngôi trường Tâm Anh đang học: “Trường em quá tuyệt vời”. Nhưng đến tháng 7 này, cô học sinh nhỏ nhắn với mái tóc ngang vai, đôi mắt to sáng, sẽ  du học trung học phổ thông tại Mỹ

Ở Mỹ, “phong cách giáo dục giúp học sinh phát triển toàn diện, không cần học nâng cao. Học sinh được định hướng hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội”, Tâm Anh tâm sự. “Trong nước, học sinh phải học 12- 13 môn một kỳ. Ở Mỹ, chỉ phải học 5- 7 môn một kỳ, và đa phần là tự học. Ở các nước, học sinh tự phát huy khả năng của mình”.

Sắp sang Mỹ, chỉ học ít môn nhưng Tâm Anh được cảnh báo sẽ phải lao động thực sự. “Học kết hợp với thực hành. Đó là những điều ở trong nước em thấy còn rất thiếu. Sang kia, em hy vọng sẽ tìm học bổng dễ dàng hơn cho chương trình đại học”.

 

Harvard

Đại học Harvard, nơi mơ ước của nhiều học sinh Việt Nam.

Mơ chân trời mới

Tâm Anh chỉ là một trong số gần 20.000 du học sinh dự kiến sang Mỹ năm 2012. Theo Đại sứ quán Hoa Kỳ, học sinh Việt Nam du học Mỹ tăng nhanh chóng dăm năm lại đây. Du học sinh Việt Nam tại Mỹ năm 2007 chỉ có 5.000 người. Đến 2009, vượt 150% so với hai năm trước, lên đến 13.000 người.

Chị Nguyễn An Quyên, Giám đốc Công ty Tư vấn Giáo dục IvyPrep, xác nhận thực trạng học sinh du học sớm ngày càng tăng. “Thật ngạc nhiên là Việt Nam đang cần nhân lực chuyển đổi về chất sau khi gia nhập WTO, chương trình giáo dục bậc THPT vẫn quá nặng trong khi giáo dục đại học chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội”, chị Quyên nói. Học sinh ngày nay ngày càng có điều kiện tiếp xúc với ngoại ngữ, tin học, internet. Tìm hiểu thông tin về du học không mấy khó khăn. Từ đó các bạn cũng phát hiện ra rằng, việc đi du học thực ra không quá khó.

Để chuẩn bị du học, Tâm Anh thi những chứng chỉ cần thiết như SSAT- preSAT, TOEFL. Rồi hoàn thành hồ sơ đăng ký qua internet, chuẩn bị tiếng Anh và đọc trước chương trình học của Mỹ để đỡ bị bỡ ngỡ. Không nhận được sự giúp đỡ từ những người đi trước do không quen biết nhiều, nhưng Tâm Anh vững tin chuyến du học xa nhà.

Theo chị Nguyễn An Quyên, các nước ngày càng tạo điều kiện cho du học sinh với những chương trình học bổng, điều kiện thị thực được nới lỏng. Chuyến thăm Việt Nam năm 2011, Thứ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Francisco Sanchez cho hay nước này dự định tăng gấp đôi số lượng du học sinh Việt Nam đến Mỹ trong vòng năm năm, từ 2009 đến 2014. “Giáo dục là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa Mỹ và Việt Nam”, ông Francisco Sanchez nói. Theo Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, dự kiến đến năm 2014, số học sinh Việt Nam tại Mỹ sẽ là 26.000 em.

Chủ yếu từ các đô thị

Theo các đơn vị chuyên tổ chức tuyển du học sinh đi các nước, đa phần ứng viên đều tập trung ở các đô thị lớn, và xu thế này chưa biết bao giờ thay đổi. Khảo sát nhỏ trên 100 học sinh đến từ trường THPT chuyên Vĩnh Phúc cho thấy, chỉ 2% số học sinh được hỏi có dự định du học, và dự định kiếm học bổng sau khi học xong năm nhất đại học.

Cũng khảo sát trên 100 học sinh đến từ ba trường THPT ở Hà Nội (THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, THPT chuyên Ngoại ngữ, và THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên), gần 90% học sinh có kế hoạch du học, trong đó 40% dự tính sẽ du học trước khi thi đại học trong nước, số còn lại dự định sẽ tìm học bổng trong hoặc sau khi học xong đại học.

Sinh sống ở Hà Nội và là học sinh Trường THPT Hà Nội – Amsterdam, Tùng Anh xuất ngoại sau khi học xong lớp 12 hè năm 2011, để lại đám bạn bè miệt mài ôn thi đại học trong nước. Trao đổi với tác giả bài báo này qua email, từ Trường Đại học Illinois Wesleyan (Mỹ), sinh viên năm nhất Tùng Anh viết: “Ở đây thực sự năng động và sáng tạo. Sinh viên rất ít phải đến lớp. Giữa học kỳ có nhiều đợt nghỉ dài. Tuy nhiên, năng lực tự học, tự sáng tạo của sinh viên được phát huy tối đa bằng các bài tập cá nhân, bài tập nhóm. Giảng viên chỉ giúp sinh viên tự tìm hiểu chứ không nói thao thao bất tuyệt rằng cái này đúng, cái kia sai. Nhiệm vụ của sinh viên không phải là trả lời câu hỏi mà là đặt câu hỏi làm sao để tìm được câu trả lời tốt nhất”.

Bay xa thời toàn cầu hóa

Cũng du học ngay sau lớp 12, Đoàn Hương Thảo, cựu học sinh THPT Nguyễn Tất Thành (2008 – 2011) chọn đến Anh Quốc với học bổng toàn phần. Khác với đến Mỹ nếu đã hoàn thành THPT trong nước, Thảo có thể làm ngay thủ tục để thi vào đại học thì sang Anh cô phải trải qua một khóa dự bị đại học tại Đại học East Anglia, Norwich, trước khi thi. Thảo theo đuổi lĩnh vực truyền thông đại chúng. Nguyện vọng của cô khi ra trường là đến Mỹ tìm việc, tiếp xúc với truyền thông của nền kinh tế số một thế giới để từ đó làm cơ sở cho việc về nước làm việc hoặc mở công ty truyền thông riêng.

Học sinh Việt Nam du học hầu hết thuộc diện học sinh giỏi, gia đình có điều kiện. Nếu không có tác động hay sự thúc đẩy nào từ phía chính quyền và nếu xu thế hội nhập thế giới không thay đổi, GS Vũ Thanh Tùng, nguyên Trưởng phòng Hành chính quản trị, Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn nhận định, số lượng học sinh Việt Nam du học sớm sẽ ngày càng tăng.

Tuy nhiên, ông cho rằng xu thế khó cưỡng nổi này đặt ra thách thức với nền giáo dục trong nước. “Đã đến lúc chúng ta phải trả lời nghiêm túc câu hỏi làm sao để đa số phụ huynh và học sinh có thể thỏa mãn với chương trình học tại Việt Nam và không xem du học như là con đường duy nhất đúng để mở mang hiểu biết của mình nữa”.

Tuy nhiên, GS Tùng cũng chia sẻ, để thay đổi được nền giáo dục trong nước thì không chỉ là vấn đề của ngành giáo dục, mà nó phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế, và sự tham gia của toàn xã hội.

Theo Nguyễn Thu Huyền